Tuyển vợ còn trong trắng với chi phí bỏ ra gần 300 tỷ đồng

Một đại gia đã tốn gần 300 tỷ đồng tuyển vợ còn trong trắng là câu chuyện mới xảy ra ở Trung Quốc khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và ngạc nhiên khi bỏ ra một số tiền khá lớn để kiếm vợ cho mình.

14


Bước sang thế kỷ 21, nhưng quan niệm “cái ngàn vàng” vẫn còn ám ảnh nặng nề nhiều đấng mày râu. Theo đó, đại gia tốn gần 300 tỷ đồng tuyển vợ. Cụ thể, không có niềm tin vào sự lựa chọn của con tim, một đại gia đã quyết định vung tiền tổ chức cuộc “sát hạch” để kén vợ còn trong trắng. Cuộc thỉ hao tiền tốn của kéo dài suốt nửa thập kỷ, cuối cùng không chọn được bóng hồng ưng ý mà còn gây ra hàng loạt rắc rối…
Mở hẳn cuộc thi để tìm vợ “còn zin”
Mải mê làm ăn, đến khi đã bước vào tuổi tứ tuần thì tỷ phú Dương (TP. Thượng Hải, Trung Quốc) mới chợt nhận thấy mình cần một cô vợ. Nhưng ông quá bận và cũng đã quên cách tán tỉnh những cô gái trẻ từ hàng chục năm nay. Sau khi tham vấn một vài trợ lý thân cận cùng bạn bè chí cốt, Dương tìm tới các trung tâm môi giới hôn nhân vốn đang mọc lên như nấm sau mưa ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Toàn bộ ứng viên nữ mà trung tâm này có được đều bị loại do không đáp ứng được một danh sách dài các tiêu chuẩn chọn vợ của vị đại gia này. Dương nhờ cậy đến trung tâm thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư… Cả nghìn bộ hồ sơ tìm chồng của chị em tại những trung tâm này đã bị ông và cộng sự loại thẳng tay.
Đang lúc chán nản, Dương nhận được lời tư vấn của một nhân viên dưới quyền: “Sao sếp không tự tổ chức một cuộc thi để tìm ra người đạt yêu cầu”? Ý tưởng độc đáo này được Dương gật đầu ngay tắp lự. Khi thư ký của ông vừa đánh tiếng, lập tức có loạt công ty tổ chức sự kiện nhảy vào chào mời. Dương chọn một công ty mai mối lớn nhất thành phố Thượng Hải đứng ra tổ chức cuộc thi. Bất cứ cô gái người Hoa nào đều có thể gửi hồ sơ dự tuyển. Sau khi qua được vòng xét duyệt đầu tiên này, sẽ là các màn sát hạch trực tiếp với nhiều công đoạn khác nhau. Mục tiêu là tuyển được 10 ứng viên xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Theo kế hoạch, Dương sẽ chỉ có mặt ở giai đoạn cuối cùng này và ông sẽ tự chọn cho mình người vợ hoàn mỹ nhất.
Thời gian diễn ra cuộc thi được hai bên thống nhất kéo dài trong 5 năm liền. Không những tìm kiếm ứng viên trên lãnh thổ Hoa lục bao la mà phía công ty còn phải để mắt tới cả những bóng hồng người Hoa ở quốc gia/vùng địa lý khác như Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao. Thậm chí, tờ rơi về cuộc thi còn được phát đến cả những khu phố Tàu ở tận Hoa Kỳ, Anh, Nga… Cái giá mà Dương phải trả cho công cuộc tìm kiếm công phu này lên tới 100 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 300 tỷ đồng).
Khi được phát hành dưới hình thức quảng cáo trên hơn 100 tờ báo lớn nhỏ khác nhau ở khắp các vùng miền. Bộ tiêu chí chọn vợ của Dương cũng khiến nhiều người choáng váng khi dài tới 3 trang, bao gồm hơn 100 “chỉ tiêu” được định nghĩa, miêu tả cực kỳ chi tiết. Những điều kiện tuyển vợ tiên quyết là phải cao từ 1m63 đến 1m73, tuổi từ 20 đến 28, đương nhiên là phải chưa chồng và còn nguyên “cái ngàn vàng”. Một số tiêu chí khác mang tính ước lệ như “thùy mị, nết na, ngọt ngào, nữ tính” cũng được đội ngũ chuyên gia định nghĩa rất tỷ mỉ, đưa ra thang bảng chấm điểm chi li. Báo giới Trung Quốc nhận xét rằng, đến cuộc thi Hoa hậu nước này cũng không công phu đến như vậy.
Sau 5 năm tìm kiếm, cuối cùng cũng có 8 mỹ nữ được tuyển chọn ra trong số hơn 4.000 ứng viên đến từ 102 địa phương trên cả nước và từ cộng đồng Hoa kiều ở nước ngoài. Dương đích thân chủ trì vòng chung kết. Phía công ty tổ chức đã chuẩn bị sẵn một bữa tiệc linh đình để chúc mừng đối tác chọn được người vợ ưng ý, sau khi vị giám khảo đặc biệt này chấm chọn thí sinh. Nhưng thật bất ngờ, tỷ phú này đã đánh trượt cả 8 cô. Ông rời hội trường với khuôn mặt tức giận, mắng mỏ phía công ty tổ chức đã làm lãng phí thời gian và tiền bạc của mình.
Ngay ngày hôm sau, luật sư của Dương đã soạn một lá thư yêu cầu công ty đối tác bồi thường thiệt hại. Vị đại gia này cho rằng công ty môi giới đã không hoàn thành nhiệm vụ, nên phải bồi thường một số tiền lớn. Phía công ty môi giới phản đối kịch liệt. Họ cho rằng hợp đồng quy định người quyết định cuối cùng về ứng viên là Dương nên ông phải tự chịu trách nhiệm khi thẳng tay loại bỏ 8 “viên ngọc sáng” mà công ty này đã dày công tuyển lựa được. “Ông ta không chọn ai khiến hợp đồng đổ bể. Đó không phải là lỗi của chúng tôi”, giám đốc công ty này phân trần.
Thi tuyển vợ – trào lưu lệch lạc
Được coi là cuộc thi hoành tráng, tốn kém và cũng gây ồn ào nhất Trung Quốc, nhưng thực ra Dương không phải là người khai sinh ra hình thức kén vợ này. Trước đó, vào năm 2012, khoảng 2.800 cô gái độc thân đến từ 10 thành phố lớn của Trung Quốc cũng đã đăng ký tham dự cuộc thi tuyển chọn vợ của một vị đại gia giàu có người Trung Quốc, người sẵn sàng chi hơn 30 triệu NDT để tuyển được người vợ ưng ý. Những vụ tương tự với chi phí rẻ hơn, chỉ hết vài triệu nhân dân tệ thì nhiều như nấm. Điều này cho thấy, tuyển vợ bằng những cuộc thi đang là xu hướng mới nổi của các đại gia Trung Quốc. Nhiều tiền nhưng thiếu thời gian, độ tuổi cũng không còn trẻ trung gì nữa, không thích hợp lắm cho việc hẹn hò, chiều chuộng các cô gái trẻ, các đại gia lựa chọn hình thức thi tuyển để đảm bảo tiêu chí nhanh gọn và “chắc ăn”. Phía công ty tổ chức sự kiện sẽ làm thay họ tất cả mọi việc, nhất là thẩm tra kỹ lưỡng từng tiêu chí của từng ứng viên, đảm bảo những người lọt vào vòng cuối sẽ đáp ứng đầy đủ tất cả yêu cầu. Ông chủ chỉ việc chọn theo cảm tính của mình là được một cô vợ ưng ý.
Xu hướng này đang góp phần khắc họa sinh động thêm bức tranh toàn cảnh về giới nhà giàu Trung Quốc, nhất là cách họ hưởng thụ cuộc sống. Đã qua rồi cái thời khoe tiền, khoe vàng, khoe biệt thự khủng, siêu xe, du thuyền sang trọng, chuyên cơ riêng… Giờ đây, những thứ ấy được coi là tài sản “mặc định” mà bất cứ đại gia nào khi gia nhập câu lạc bộ tỷ phú đều phải có. Giới nhà giàu Trung Quốc hướng đến một “tài sản” cao cấp hơn – đó chính là những cô vợ. Các “chân dài” cặp kè bên cạnh đại gia không có tính chính danh. Khi cần một người phụ nữ sang trọng, lịch thiệp, quyền quý đi bên cạnh trong những buổi tiếp xúc với bên ngoài một cách chính thức như họp báo, gặp gỡ quan chức chính phủ, đối tác nước ngoài… không ít người đã phải giật mình vì ở hoàn cảnh này, những siêu mẫu không đáp ứng được yêu cầu. Họ chỉ phù hợp cho những bữa tiệc giải trí, không cần danh phận. Thế nên, củng cố “hậu phương” cho tương xứng với đức lang quân đang trở thành một đòi hỏi tất yếu, một tiêu chí đánh giá độ “sang” của các tỷ phú, bên cạnh độ “giàu” đã được thể hiện qua khối tài sản kếch sù của họ.
Nắm được trào lưu nàỵ, các công ty môi giới hôn nhân cho tầng lớp siêu giàu đang ra sức tuyển dụng và đào tạo đội ngũ “quý cô” hòng phục vụ nhu cầu tuyển vợ đang ngày càng lớn của các đại gia. Họ được rèn luyện chi li từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ, dáng đi, phong thái, giao tiếp… Thậm chí, nghề nghiệp của những ứng viên cũng được định hướng, điều chỉnh để phù hợp với thân phận sang trọng trong tương lai, một khi được lọt vào mắt xanh tỷ phú nào đó. Báo giới nước này gọi đây là các “siêu cô dâu” được dự đoán là sẽ xuất hiện trong tương lai gần. Nhưng liệu thói quen tuyển vợ qua thi cử kiểu này có trở thành “văn hóa kén vợ” lâu bền hay không thì còn cần thời gian mới trả lời được, bởi cũng nhiều người cho rằng, đó chỉ là thú chơi ngông nhất thời của một số tỷ phú mà thôi.
Vụ kiện tụng chưa có tiền lệ
Vụ kiện tụng của đại gia Dương và công ty môi giới được coi là hy hữu trong lịch sử ngành tư pháp Trung Quốc. Chỉ riêng việc đọc lại hơn 4.000 bộ hồ sơ của các ứng viên, quá trình thẩm tra, sàng lọc của công ty tổ chức sự kiện đối với hơn 4.000 ứng viên này, các kết luận, nhận xét đã công bằng, khách quan hay chưa, có bỏ lọt “viên ngọc quý” nào không… đã mất hơn 1 năm trời. Điều sơ hở nhất của hợp đồng là quy định người lựa chọn cuối cùng là ông Dương, nhưng nếu ông ta không chọn được ai vì bất kỳ lý do gì, phía công ty tổ chức cũng vẫn bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ. Chính tình tiết này đã khiến họ phải ngậm ngùi chấp nhận phán quyết của tòa: Hoàn lại tiền cho nguyên đơn. Cũng may là số tiền này không lớn như Dương đòi. Sau khi cân nhắc những chi phí mà phía công ty đã phải bỏ ra, tòa tuyên họ chỉ phải bồi hoàn cho ngài tỷ phú 4 triệu nhân dân tệ mà thôi.
( Theo Gia đình và Xã hội )

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận